Một vài mẹo chụp ảnh phong cảnh với ống kính tele

Thứ hai - 26/11/2018 07:07
Nhiếp ảnh phong cảnh chính là lĩnh vực phù hợp với chức năng của ống kính góc rộng nhất. Liệu có phải thế không? Bởi tôi khá chắc đã đọc ở đâu đó rằng: “Khi chụp hình phong cảnh, hãy sử dụng một ống kính góc rộng”. Tôi biết chắc tôi đã nghe như thế và có lẽ các bạn cũng vậy. Thế nhưng, điều đó không phải sự thật. Vậy nên ở bài viết này, tôi sẽ cho bạn một vài mẹo để chụp hình phong cảnh với một ống kính tele hoặc ống kính có tiêu cự dài.
Một vài mẹo chụp ảnh phong cảnh với ống kính tele

 

  Ở tiêu cự 100mm, tôi đã có thể chụp lại được chi tiết của dãy núi Denali cùng với dãy Alaska gần đó từ Talkeetna, Alaska

Suy nghĩ vượt ra ngoài giới hạn của góc rộng

Chắc rồi, những ống kính góc rộng rất tuyệt khi chụp phong cảnh, tôi cũng thường xuyên dùng chúng. Thế nhưng, chúng không nên là những công cụ duy nhất trong hộp dụng cụ của bạn khi chụp ảnh phong cảnh. Sự thật là khi tôi đang tìm kiếm hình để đăng lên bài viết này trong catalogue ảnh của mình, tôi nhận ra rằng rất nhiều những bức ảnh phong cảnh tôi thích nhất lại được chụp bằng các ống kính khác không phải góc rộng. Nhiều bức được chụp ở tiêu cự 70-200mm và thậm chí một vài bức còn được chụp với ống kính super-tele ở tiêu cự 500-600mm. 

Nếu như bạn dành nhiều thời gian cho nhiếp ảnh phong cảnh, hẳn bạn sẽ biết rằng có những trường hợp mà một bức hình góc rộng sẽ không hiệu quả. Dưới đây là một vài suy nghĩ và ví dụ về việc khi nào nên sử dụng ống kính tele với nhiều tiêu cự khác nhau vào nhiếp ảnh phong cảnh.

Một ngọn núi không có gì nổi bật lại trở nên thú vị khi một vài đốm nắng mặt trời nhảy múa khắp lãnh nguyên

Ống kính tele ngắn với tiêu cự từ 50-100mm

Với chỉ một chút khác biệt so với những ống kính thông thường chính là ống kính tele ngắn. Nhiều người thường hay sử dụng chức năng zoom, ví dụ các tiêu cự thông dụng như 24-70mm và 24-105mm đều thuộc nhóm này. Vì các bức ảnh chụp ở khoảng tiêu cự này thường không hơn nhiều so với các ống kính tiêu chuẩn nên bản thân chúng mang nhiều đặc điểm giống nhau. 

Với việc giữ được một độ sâu trường ảnh đáng kể, thậm chí là với khẩu độ tương đối lớn cộng với vùng quan sát đủ rộng đã giúp ta thấy được những nét đặc trưng cỡ lớn của khung cảnh như toàn bộ dãy núi hay một khúc quanh của dòng sông.

Mặc dù giữ lại được một vài lợi thế của ống kính góc rộng hoặc ống kính tiêu chuẩn, ống kính tele ngắn vẫn tồn tại nhiều bất lợi. Khoảng tiêu cự này không dành riêng cho việc chụp chi tiết phong cảnh, như là các yếu tố chi tiết về bầu trời hoặc tiền cảnh, khiến ta gợi nhớ về bố cục của các phong cảnh cổ điển. 

Còn trong phong cảnh góc rộng, bạn phải để ý đến các lớp khác nhau trong một bức ảnh (tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh, chủ thể,…). Tuy nhiên, không như các bức ảnh chụp rộng, độ sâu trường ảnh sẽ bị nén lại, nên bạn hãy sử dụng khẩu độ với f-stop lớn (như f/11 hay f/16) ngay khi có thể.

Hãy cứ coi khoảng tiêu cự này (50-100mm) như một công cụ để đơn giản hóa bố cục của bạn, thế nhưng như thế không có nghĩa rằng nó sẽ dễ dàng giúp bạn chụp được một bức ảnh đẹp đâu nhé.

Khoảng 100-200mm

Cơn bão được mô tả bên dưới thổi qua sông Kelly trong Khu Bảo tồn Quốc gia Noatak của vùng Tây Bắc Alaska

Trong lúc lật qua cuốn catalogue Lightroom của tôi để tìm ảnh, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng khoảng tiêu cự này (100-200mm) lại chính là khoảng mà tôi hay dùng nhất. Tôi đã tưởng rằng mình sẽ thấy một đống chân dung hay các bức ảnh chụp hành động nhưng lại bất ngờ trước số lượng ảnh phong cảnh xuất hiện. 

Một vài năm trước, tôi đã có dịp đi leo núi cùng với một nhóm khách hàng trên một sườn núi xa xôi ở tận vùng tây bắc Alaska. Trời lúc đó đang là cuối thu và đây cũng là chuyến đi cuối cùng của tôi trong mùa. Vùng lãnh nguyên bên dưới lúc đó là một bức tranh khảm gồm các màu sắc đỏ, vàng, cam. Khi chúng tôi đặt chân lên đến một đỉnh núi thấp và đang trên đường đi xuống thì những đám mây đáng ngờ bỗng xuất hiện từ phía xa của thung lũng. Qua cách trôi vội vã của chúng, tôi có thể nói rằng những đám mây đó không phải chứa mưa mà là tuyết, rất nhiều tuyết. 

Trong đầu tôi bấy giờ hiện lên hai ý nghĩ. Người dẫn đường bên trong tôi, luôn hướng về phía an toàn và thận trọng, bảo tôi rằng cần phải nhanh chóng đưa khách hàng xuống núi. Chúng tôi vẫn còn cách chân núi vài ngàn feet cộng với ba đến 4 dặm đi bộ mới có thể đến được trại an toàn. 

Dù vậy, người nhiếp ảnh gia bên trong tôi lại muốn tôi bỏ túi xuống, lấy máy ảnh ra và làm việc. Tôi đã thỏa thuận với khách hàng để có thể thường xuyên dừng lại chụp ảnh trong lúc cẩn thận di chuyển xuống núi. Tôi đã dựa dẫm rất nhiều vào ống kính tele tầm trung, vươn ống kính ra để tìm những hoa văn, đường nét của thung lũng, cơn bão đang tới và khúc quanh của con sông.

Ống kính tele cho phép bạn chơi đùa với những họa tiết. Ở đây, tôi đã làm điều đó với con lạch chảy qua vùng lãnh nguyên mùa thu ở Công viên Quốc gia Denali, Alaska

Vì tiêu cự đó là quá dài để thể hiện một vùng quan sát rộng, nên tôi đã cô lập thành phần quan trọng của câu chuyện muốn kể. Tôi bỏ qua vùng tiền cảnh, crop nó (bằng máy ảnh) ra khỏi bố cục. Từ vị trí đứng cao hơn con sông, mọi thứ trong khung cảnh đều rất xa so với tôi, điều đó đã giúp tối đa hóa độ sâu trường ảnh và giúp chọn tiêu điểm dễ hơn. 

Đó chính là nơi mà khoảng tiêu cự này phát huy được thế mạnh của mình: những yếu tố ở xa của phong cảnh có thể được thể hiện một cách rõ ràng từ trước đến sau trong bối cảnh.

Ống kính tele dài 200-400mm

Ở tiêu cự 300mm, một chi tiết có thể trở thành một chủ thể hay thứ gì đó vô cùng trừu tượng, giống như những ngọn núi phía xa đang soi bóng mình vào lúc bình minh này ở cánh đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia

Lúc trên dãy Himalaya thuộc Bhutan, tôi tỉnh dậy trước khi trời sáng và đi bộ một phần tư dặm đến một ngọn đồi nhỏ giữa thung lũng. Ở độ cao 15,000 feet, thậm chí một hơi thở nhỏ cũng phải đòi hỏi sự nỗ lực từ tôi. Tôi bình tĩnh lại, thở hỗn hển và nhìn màn sương dày đặc trôi qua trong ánh sáng xám. 

Khi bình minh tới, màn sương bắt đầu tan, luân phiên ẩn hiện những ngọn núi xung quanh. Những hòn đá và các dòng sông băng của ngọn núi nằm phía trên màn sương đang lấp lánh dưới ánh nắng ban mai, trong lúc tôi thì run rẩy dưới làn suơng ẩm ướt. 

Qua ống kính 24mm của máy ảnh, tôi chẳng thấy gì nhiều ngoài màu xám. Nản lòng, tôi tháo ống kính đó ra và thay bằng một ống tele zoom. Khi cửa sổ mở ra giữa làn sương, tôi theo nó bằng máy ảnh và chờ đợi điều gì đó xuất hiện. Bằng cách để các đám mây sắp xếp bố cục dùm, tôi đã chụp được những bức ảnh như: một dòng sông băng, một dãy đồi gồ ghề và một đỉnh núi nhọn hoắc.

Một bên sườn của Jhomolhari, một đỉnh của dãy Himalaya, xuất hiện qua khoảng trống của đám mây. Với ống kính góc rộng, bức ảnh này chỉ còn là đốm sáng nhỏ trong một bức ảnh xám xịt

Khi hoàn cảnh cho phép, một ống kính tele dài có thể trở thành một công cụ cứu cánh cho các nhiếp ảnh gia phong cảnh. Buổi sáng được miêu tả phía trên chính là cơ hội tôi phải nắm lấy để có thể chụp được những tấm ảnh từ khu trại cao trên núi đó. Nếu không có ống kính dài, quầng sáng đẹp đẽ trên dãy núi đó sẽ xuất hiện như một đốm nhỏ giữa biển màu xám xịt. 

Độ sâu của bức ảnh hiếm khi cao với khoảng tiêu cự này. Đối với đa số khẩu độ, độ sâu trường ảnh thường nông nên việc lấy nét cho tất cả các lớp của bức ảnh là việc rất khó hoặc bất khả thi. Thế nên, hãy chọn tiêu điểm cẩn thận và tìm bố cục thích hợp để kể lại câu chuyện bạn muốn. Tiêu cự này có thể sẽ chia khung cảnh ra thành nhiều phần nhỏ hơn, nhưng như thế không hề khiến cho bối cảnh của bạn trở nên ít chặt chẽ hơn đâu.

Ống kính super-tele với tiêu cự 400mm và hơn nữa

Không có nhiều nhiếp ảnh gia ngoài kia chịu bỏ ra hàng ngàn dollar để mua ống kính 500mm hoặc 600mm với khẩu độ f/4 để chụp cảnh. Thế nhưng, những ống kính super-tele lại có thể chụp lại những phong cảnh độc nhất theo cách bất ngờ nhất. 

Tôi sẽ thành thật ở đây. Ống kính to bự của tôi thường bị bỏ ở nhà trừ khi tôi muốn chụp lại thế giới hoang dã. Ở vùng nông thôn, nơi tôi dành nhiều thời gian để chụp, ống kính 500mm f/4 là quá cồng kềnh để mang theo khắp nơi. Tuy nhiên, đối với một vài dịp, nó đã chứng minh sự hữu dụng của mình trong việc chụp lại những bức ảnh phong cảnh đặc biệt.

Ống kính 600mm tương tự đã cho phép tôi ghi lại những dãy núi Denali ở Vườn Quốc gia Denali, Alaska cùng với các chi tiết rõ ràng

Vài năm trước đây, lúc tôi đang dẫn đầu một đoàn vài nhiếp ảnh gia chụp chim chóc trên chuyến hành trình đến vùng đồng bằng duyên hải của khu Bảo tồn Động vật hoang dã Quốc gia Bắc Cực. Chúng tôi hạ trại gần bờ biển, ngay trên vùng đồng bằng châu thổ nhô ra cách khỏi Bắc Băng Dương. Chúng tôi đã rất vui vẻ khám phá vùng lãnh nguyên rộng lớn, chụp lại vô số các loài chim và hiếm khi chú ý đến phong cảnh xung quanh. 

Nhưng vào một tối nọ (thật ra là vào lúc khuya), mặt trời “không bao giờ lặn” ở nơi đây đã xuống thấp nhất và chiếu rọi ánh sáng vàng óng của nó xuyên qua vùng lãnh nguyên giữa chúng tôi và dãy núi. Mọi thứ trở nên rõ ràng như pha lê, mọi chi tiết đều có thể nhìn thấy ở ngọn núi phía xa kia. Và khi đấy, tôi đã biết rằng một chiếc tripod với ống kính 500mm tựa vào cái vai bầm tím của tôi chính là công cụ hoàn hảo để chụp lại khoảnh khắc này. 

Khoảng cách cực lớn tới dãy núi đã cho phép khu đồng cỏ của vùng đồng bằng duyên hải và chân núi giữ được nét. Mọi thứ đều được nén lại, khiến cho các yếu tố nằm ở phía xa hàng dặm có vẻ như rất gần. Tôi đã sử dụng ánh sáng chiếu lên dãy núi để khám phá dãy núi Brooks Range cách 50 dặm bằng máy ảnh. 

 

Vùng núi Brooks Range nằm ở phía xa kia xuất hiện lờ mờ trên vùng đồng bằng duyên hải của khu Bảo tồn Động vật hoang dã Quốc gia Bắc Cực – nơi mà ít nhất hiện nay vẫn còn tồn tại tuần lộc hoang dã

 

 

Buổi sáng sau đó, trời vẫn trong xanh khi một bầy tuần lộc (phía trên) khoảng mười ngàn con khỏe mạnh, di chuyển qua khu trại chúng tôi cách đó vài trăm thước. Ống kính dài kết hợp với động vật là sự kết hợp hoàn hảo để thể hiện sự hoang dã và hùng vĩ của khu Bảo tồn Bắc Cực. Với việc trường ảnh bị nén làm cho dãy núi lờ mờ gần lại, giúp tạo ra thêm nhiều bối cảnh cho bầy tuần lộc ở tiền cảnh. 

Ống kính super-tele là ống kính chuyên dùng để nén và cô lập. Phong cảnh nhìn thấy qua ống kính có tiêu cự rất khác so với những gì mắt người nhìn thấy. Những yếu tố ở xa sẽ tiến lại gần hơn và trừ khi bạn chọn điểm tiêu cự ở phía xa, độ sâu trường ảnh sẽ nén lại một vài feet. Những ống kính này là công cụ để cô lập những hoa văn, rút ngắn khoảng cách và phóng đại các kích cỡ.

Kết luận

Với ống kính 500mm cùng với một ống kính nhân tiêu cự (teleconverter) 1.4 lần, tôi đã có thể chụp lại một bức hình cận cảnh của mặt trăng tròn đang lên trên dãy Andes, Bolivia ngay lúc những ánh nắng cuối cùng chạm vào đỉnh núi lửa

Những ống kính dài còn cho phép bạn chụp lại các chi tiết. Như ở đây, mặt trời đang lặn xuống qua các tầng mây ở vùng Đông Nam Alaska đã tạo nên một bố cục đơn giản

Khi nhắc đến nhiếp ảnh phong cảnh, mọi người thường bỏ quên những ống kính tele. Họ thường bỏ chúng ở dưới đáy hộp dụng cụ hoặc đơn giản hơn là bỏ hẳn ở nhà. 

Tôi sẽ cho bạn biết, ở trong ba lô hay ngăn tủ của bạn đều không thích hợp cho ống kính tele đâu nhé. Chúng nên luôn luôn nằm trong tầm tay của bạn, sẵn sàng giúp bạn ngắm nhìn phong cảnh theo một cách mới lạ và đầy tính sáng tạo. Thế nên, hãy lấy ống kính có tiêu cự dài của bạn ra, gắn nó vào máy ảnh và khám phá cái cách nó thay đổi góc nhìn của bạn với khung cảnh đó.

Tác giả bài viết: NHSQNAM

Nguồn tin: designs.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây