Nhiếp ảnh từ hiện thực cuộc sống đến tác phẩm

Thứ sáu - 23/11/2018 21:19
Hàng ngày trên đất nước này, trên trái đất này đã diễn ra hàng ngàn hàng vạn hình ảnh, sự kiện, những con người xuất chúng… đòi hỏi người nghệ sỹ phải có năng lực quan sát, phân tích , phải biết chắt lọc và ghi chép cố định những hình ảnh ấy. Để người xem như sờ thấy, như hiện ra trước mắt. Đó là mục tiêu phấn đấu , hướng tới và cả tài năng của người nghệ sỹ nhiếp ảnh nữa.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với cái tên bài viết này, tôi xin trình bầy trực tiếp những thành công và thất bại trong cuộc đời cầm máy của mình. Tôi cầm máy tập sự chụp ảnh từ năm 1968, là lính chiến trường B&C, vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút viết báo và cầm máy chụp ảnh. Tôi đã viết hàng trăm bài báo ở chiến trường, chụp hàng nghìn bức ảnh về con đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh và tôi cũng thấu hiểu nỗi đau lòng của các bà mẹ có con ra đi nơi trận mạc, hiểu được một cách cụ thể sự hy sinh xương máu của những người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Những ngày ấy tầm nhìn còn hạn chế, tay nghề còn yếu nên tôi không có được những tác phẩm mang dấu ấn thời đại.
 
Cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, khi đã chuyển ngành về làm phóng viên, biên tập viên tại tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, tôi được Bộ Thương binh và Xã hôị ( nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ) mời đi thực tế ở tỉnh Thái Bình, cùng đi có nhà thơ Ngô Văn Phú , nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và một số nhạc sỹ nổi tiếng khác. Họ viết văn, làm thơ và sáng tác nhạc, còn tôi chụp ảnh là chính. Chuyến đi gần một tuần lễ mà tôi chụp không hết một cuốn phim 36 kiểu. Đành rằng khi đó vật tư nhiếp ảnh đắt đỏ và khan hiếm, nhưng phần chính là do tôi vừa bóc áo lính ra đời thường , chưa hòa nhập với thực tế đời sống của hậu phương. Đến với tỉnh lúa Thái Bình tôi vẫn còn loay hoay suy nghĩ, tìm cách thể hiện.
 
Ngày cuối cùng tổng kết chuyến đi, sở Thương Binh – Xã Hội tỉnh Thái Bình tổ chức chiêu đãi báo chí rất trọng thể. Trong khi phát biểu , ông giám đốc sở   khen ngợi một số bài thơ, bản nhạc sáng tác tại chỗ khá xuất sắc đã gây xúc động lòng người, nhưng khi nhắc đến nhiếp ảnh, ông bất ngờ quay sang tôi hỏi “ Tại sao đồng chí ph&oa cute;ng viên nhiếp ảnh lại chụp ít ảnh thế ?”

 

Tuy bị “đột kích” nhưng tôi vẫn đủ bình tĩnh trả lời vị giám đốc sở : “ Thưa đồng chí, đề tài này rất rộng, sâu sắc và nhạy cảm, rất khó thể hiện”. Đề cập đến sự hy sinh cao cả của bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh hạ ra họ - những chàng trai ra đi cứu nước và có đến hàng vạn con người không trở về, để lại nỗi đau cho mẹ.
 
Đề cập đến cuộc chiến đấu hy sinh “ máu chảy đầu rơi ” ấy đâu phải chuyện dễ ! trong số đó cũng còn ít người sống sót trở về với những thân hình không còn nguyên vẹn, đã khắc sâu vào nỗi đau tâm thức qua cái nhìn trực giác của loại hình nhiếp ảnh và hội họa nữa…
 
Tôi thiết nghĩ : sẽ chẳng có ai muốn xem ảnh chân dung những anh chị em thương binh, phế binh cụt chân, cụt tay, dùng tay thay cho đôi chân hoặc đi bằng nạng gỗ.
Nhiếp ảnh cũng như hội họa, nếu không đủ khả năng, khó bề thể hiện thành công. Nhưng với thơ ca và âm nhạc thì có nhiều tác phẩm thể hiện cực hay và sâu sắc, sẽ sống mãi cùng năm tháng. Ngày ấy tôi đinh ninh rằng quan điểm của mình là đúng.
 
Mãi đến 10 năm sau ( 1989 ) được xem bức ảnh “ Theo anh vào đời ” của Thu An (TP Hồ Chí Minh ) qua cuộc thi triển lãm ảnh nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh và ít lâu sau chính tác phẩm này đoạt giải thưởng lớn tại Nhật Bản tôi mới ngộ ra rằng “Theo anh vào đời” là TP nghệ thuật đích thực về đề tài thương binh và xã hội. Ban giám khảo quả là có “đôi mắt xanh” thực sự! Trong ảnh, chàng thương binh ngồi trên xe lăn , tay cầm bó hoa ngoảnh về phía sau nhìn người con gái mặc blu trắng, chiếc khăn quàng màu trắng nhẹ bay, cô gái đang đẩy xe cho anh. Bên cạnh họ còn một bé gái xinh xắn ( đích thị con của họ ) xách lẵng hoa tươi chạy theo bố mẹ.
 
Nhìn bức ảnh mới thấy hết vẻ hạnh phúc rạng ngời của gia đình người thương binh cụt chân,  trong tôi dâng trào cảm xúc vừa yêu quý vừa cảm phục những con người Việt Nam, nhất là người phụ nữ đã vượt lên mọi đau thương mất mát của chiến tranh để tìm thấy hạnh phúc và tình yêu chân chính của mình.
 
“Theo anh vào đời” của Thu An càng khảng định là tác phẩm thành công nhất về đề tài Thương binh –Xã hội khi đạt huy cương vàng tại Hồng Kông năm1996, tại Áo năm 2000 và giải thưởng lớn tại Nhật Bản. Sau hơn 20 năm thử thách vẫn giữ nguyên giá trị, được hội đồng tuyển chọn in trong tập sách : Nhiếp ảnh Việt Nam Thế kỷ XX do Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao kết hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam xuất bản năm 2006.
 
 Tác phẩm thứ hai mang tên:“Đợi con về” của tác giả đại tá Trần Hồng, phóng viên báo QĐND chụp mẹ Nguyễn Thị Thứ- mẹ VNAH ở Quảng Nam có 9 người con trai, một con rể , một cháu ngoại là liệt sỹ hy sinh trong ba cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và quân xâm lược phương Bắc.
 
Nhìn qua ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ đã hơn 100 tuổi, ngồi trước mâm cơm, bần thần nhìn vào khoảng không trước mắt mà chẳng thấy đứa con nào, chỉ còn 9 cái bát, chín đôi đũa. Ở giữa mâm cơm là  bát hương cắm 9 nén hương đang cháy dở.
 
Trong không gian tưởng như tĩnh lặng ấy toát lên sự hy sinh lớn lao ghê gớm. Và lúc ấy tôi đã khóc khi đọc bài thơ “Mẹ Liệt sỹ”của nhà thơ – họa sỹ Văn Thao ( con trai của cố nghệ sỹ đa tài Văn Cao ) viết vào năm 1984.
 
Đến giờ phút này có thể khảng định chắc chắn rằng: Các anh Thu An và Trần Hồng thực sự là những tài năng vì họ nhận thức đúng về chân lý cái đẹp, còn tôi phải thừa nhận sự kém cỏi từ trong nhận thức và thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình.
 
Đợt đi thực tế lần thứ 2 với đề tài lớn: Công trình thủy điện Sông Đà ở Hòa Bình. Đây là một công trình thủy điện lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á thời bấy giờ do Liên Xô giúp ta xây dựng.
 
Tôi cùng đoàn phóng viên tòa soạn Báo Văn Nghệ đến sông Đà nhiều lần, có lần cả Tổng biên tập – nhà văn Nguyễn Văn Bổng và các phó tổng biên tập Đào Vũ, Hoàng minh Châu cùng đi. Chúng tôi được ban lãnh đạo thủy điện Sông Đà đón tiếp rất trọng thị. Nhiều lần họ đích thân dẫn đoàn xuống thực địa để giới thiệu. Trong bữa cơm thân mạt tiễn đoàn, ông bí thư Đảng ủy hỏi tôi một câu: “Qua mấy lần đến với công trình tôi thấy đ/c cứ đăm chiêu suy nghĩ mà ít thấy chụp ảnh ?”. Tôi cũng thành thật trả lời : “ Thưa đ/c ! tôi không thể chụp như phóng viên các báo hay phóng viên TTXVN chụp, chức năng của họ là cung cấp thông tin bằng bài viết, ảnh chụp về tiến độ thi công trong quá trình xây dựng đến khi kết thúc bằng một bộ ảnh giới thiệu toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh công trình thủy điện Hòa Bình về đêm điện sánh lung linh … thế là xong, còn tôi, tôi phải quan sát và ghi chép theo cách của tôi, chỉ cần 5 tấm ảnh”  cụ thể là :
 
Tấm thứ nhất : Cảnh Thác Bờ hung dữ đã tàn phá bao nhiêu bè mảng , nhà cửa và con người khi vượt thác.
 
Tấm thứ 2 : Thác Bờ hiền hòa, khẳng định sự hữu hiệu của công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà.
 
Tấm thứ 3 : Toàn cảnh đập nước Thủy điện Hòa Bình đang vận hành, nước tung bọt trắng xóa.
 
Tấm thứ 4 : Điện Sông Đà vào thành phố, Thủy điện Hòa bình đã thắp sáng mọi nơi.
 
Tấm thứ 5 : Một trạm bơm tưới tiêu đang đưa nước vào đồng ruộng. Hậu cảnh là cánh đồng lúa xanh mượt mà, làng mạc xa xa.
 
Tôi cho rằng chỉ cần 5 tấm ảnh đó là đủ nói về đại công trình thủy điện hòa bình trên sông Đà rồi.
 
Lao động nghệ thuật, dù là nhà văn, nhà thơ, họa sỹ hay nhạc sỹ, trong quá trình sáng tạo đi vào cuộc sống để thể hiện thành tác phẩm thì “ Đường đến đích phải là đường ngắn nhất, cô đọng nhất, có tính khái quát hóa, điển hình hóa cao”. Nhiếp ảnh nghệ thuật cũng không ngoài quỹ đạo ấy. Đó cũng là đặc trưng, nét tương đồng và dị biệt giữa ảnh thời sự, báo chí và ảnh nghệ thuật.
 
Với nhiếp ảnh nghệ thuật từ cuộc sống đi vào tác phẩm nghệ thuật đã khó, đi vào đề tài con người, tìm ra bức chân dung đích thực về họ còn khó hơn. Đã có không ít những nhà nhiếp ảnh cao thủ, điêu luyện trong việc sử dụng ánh sáng, bố cục, tạo hình để có được bức chân dung “Mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da” làm cho các cô gái trong ảnh đẹp hơn nhiều ở ngoài đời, khiến họ tâm phục khẩu phục tài năng của nhà nhiếp ảnh. Tuy nhiên ! không phải tất cả, có khi gặp đối tượng có trình độ cao, họ chỉ thừa nhận khi tác giả chụp đúng về họ.
 
Năm 1982, trong một lần vào chụp ảnh và làm sách tại phố cổ Hội An - Đà Nẵng, tôi được tiếp xúc với một nữ biệt động thành, một tình báo viên khá xinh đẹp ở một quán cà phê bên sông Hàn. Cô ấy còn là người mẫu cho họa sỹ Lưu Công Nhân vẽ nhiều lần và kiến trúc sư – họa sỹ Ka Zích  người Ba Lan cũng đã vẽ. Trong câu chuyện vui, tôi liền vào đề:
 
- Em quả là vinh dự, đã lọt vào mắt xanh của hai họa sỹ tài danh và có được những bức chân dung tuyệt mỹ. Theo em, em thích họa sỹ nào hơn.
 
Cô gái liền trả lời :
 
-  Họa sỹ Lưu Công Nhân thường vẽ đẹp hơn người mẫu. Rất nhiều cô gái bị chinh phục. Nhưng vẽ đúng về em, phải là họa sỹ KaZích. Ông ấy vẽ chân dung em không xinh đẹp, bức chân dung ấy ông ấy vẽ đôi mắt của em “nhảy” ra nửa khuôn mặt, làm em giật mình! Bị bắt đúng mạch, em choáng liền. Ngoài tài năng hội họa ông ấy còn là một chiêm tinh gia cỡ bự, ông ấy rất nhanh chóng đọc được cả nội tâm nhân vật đang vẽ, thật đáng sợ!
 
Nghe cô gái nói, tôi thật sự cảm phục về cảm quan thẩm mỹ của cô ấy. Nhiếp ảnh cũng vậy. Người có tay nghề vững, họ có thể chụp chân dung đẹp hơn người mẫu không mấy khó khăn. Khi đối tượng bị chinh phục, nói gì, yêu cầu gì họ cũng làm theo, nhưng “chộp” được bức chân dung “có thần” không phải là chuyện dễ.
 
Tôi cũng có đôi chút thuận lợi, được tiếp cận môi trường văn nghệ, được làm quen với một số nghệ sỹ nổi tiếng nên có dịp quan sát ngoại hình, tìm hiểu về cá tính, cuộc sống riêng tư của họ, tác phẩm của họ, trước khi hướng ống kính vào con người đó, bức chân dung đó.



Người đầu tiên tôi chụp là nhà thơ Tú Mỡ với ánh mắt cười hóm hỉnh, khi ông đọc bài thơ vui nói rằng : Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập ban lễ tang, đã viết xong điếu văn cho nhà thơ Tú Mỡ nhưng bác Tú lại không chết. Ông đọc bài thơ đó rồi cười hì hì. Nào ngờ Tú mỡ đã sống lại và lễ tang phải dừng ! Mẩu chuyện nhỏ khi chụp ảnh nhà thơ Tú Mỡ đã được in trong tuyển tập “ Tú Mỡ - Thơ và đời” NXB Văn học 1982.
 
Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Trân là người có cá tính cực cực đoan, bằng mọi giá khi bảo vệ chân lý, bảo vệ chính kiến của mình.. Một lần tôi theo ông đến cuộc hội thảo, chờ đến lúc tranh luận gay gắt nhất. Ông nghển cao cổ, giơ một cánh tay khẳng khiu lên trời. bằng động tác ấy ông thể hiện ý chí quyết liệt đến cùng bảo vệ ý kiến của mình. Chụp chân dung ông, tôi chỉ cắt khuôn hình từ chiếc cổ gầy gân guốc đến cánh tay giơ thẳng đứng. Ấy chính là chân dung Nguyễn Trân!
 
Thanh Tịnh là nhà thơ rất cầu kỳ trong cuộc sống và trong câu chữ. Ông là một trong số ít văn nghệ sỹ có thú sưu tầm đồ cổ để trưng bày. Tòa soạn cử tôi đến chụp chân dung ông để in báo. Tôi đến gặp ông vào một ngày cuối tuần nhưng ông khất để thứ 3 tuần sau vì ông đang có khách. Đúng hẹn sáng thứ 3 tuần sau tôi có mặt, đã thấy ông đang đứng trước gương cạo râu, sửa sang quần áo. Tính cầu kỳ cẩn thận của nhà thơ đã “hiện ra”đây rồi !Tôi liền chụp ngay hình ông đang soi gương cạo râu, rồi chụp ông đang khoác áo. Khi ông chuẩn bị xong thì việc của tôi cũng hoàn tất. lúc ông quay vào phòng khách mỉm cười :
 
-  Thanh Tịnh đã chuẩn bị xong, xin mời chú cứ việc chụp.
 
- Thưa bác! Cháu đã chụp xong rồi ạ. Bây giờ chỉ xin bác một bức chân dung cận cảnh in báo để bạn đọc nhận ra nhà thơ Thanh Tịnh nổi tiếng  mà thôi.
 
Sinh thời, nhà viết kịch, đạo diễn, NSND Tào Mạt thường hay đến nhà tôi chơi và ông rất thích vào bếp tự tay chế tác các món ăn theo sở thích. Nhưng khi “ máu nghề nghiệp” nổi lên là ông quên biến mọi sự để nhập thần vào nghệ thuật chèo.
 
Tay ông đang cầm chén rượu, tay kia đang múa vũ đạo chèo. Bàn tay xòe ra như chiếc quạt giấy, đạo cụ của diễn viên chèo. Hình tượng đó rất “chèo”, rất “Tào Mạt”. Ngay lập tức tôi bấm máy để giữ lại bức chân dung ấy.
 
Trong đời cầm máy, tôi đã để nhiều tâm sức nghiên cứu vào hai nhân vật nổi tiếng, đó là nhà văn Nguyễn Tuân (tôi gọi là tướng Văn ) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( là tướng Võ – biểu tượng của Việt Nam chiến thắng ).
 
Nhà văn Nguyễn Tuân không chỉ tài hoa nổi tiếng ở trong nước mà văn nghệ sỹ ở các nước Xã hội chủ nghĩa gần như đều biết đến tên tuổi ông. Ở Liên Xô có người ví nguyễn Tuân là Tonstoi của Việt Nam. Khi Nguyễn Tuân mất, nhà văn Kim Lân viết bài “ Anh là người sung sướng nhất ”. Quả đúng như vậy! Dù cuộc sống khó khăn đến mấy ông vẫn tìm ra cách sống riêng đàng hoàng, rất “Nguyễn Tuân”.
Tôi để tâm nghiên cứu ngoại hình ông, từ đôi mắt, cái miệng, mái tóc trắng phau đến chiếc can ( ba toong) ông thường dùng. Chiếc ba toong như một cuốn nhật ký sống bởi đi đến đâu ông cũng ghi địa danh vào đấy. Ông là người có cá tính mạnh, đầy bản lĩnh khi sử dụng ngòi bút, không bao giờ chịu uốn cong .
 
Thái độ yêu ghét cũng hết sức rõ ràng. Nguyễn Tuân rất ghét những kẻ kém tài lại hay nịnh hót. Ông có hẳn một danh sách những nhà văn cơ hội và gọi đó là “những thằng hèn!”.
 
Có lẽ từ những đặc tính ấy cũng là cơ hội để tôi có thời cơ “bắt” đúng được chân dung Nguyễn Tuân để  lúc nhìn bức chân dung mình ông phải thốt lên “Rất Nguyễn Tuân” và ông đích thân chọn in trong tuyển tập văn chương của mình.
 
Vào một ngày cuối tuần tháng 3 năm 1982, nhà văn Nguyễn Tuân đến tòa soạn báo Văn Nghệ nhờ tôi chụp cho một bức chân dung làm hộ chiếu để đi Cam puchia. Ông đến bất ngờ nên tôi chưa kịp tạo ra tình huống để đưa bác Nguyễn Tuân vào ống kính. Tôi bèn nghĩ kế hoãn binh để tìm phương án thực hiện.Tôi nói với ông:
 
- Thưa bác! Rất tiếc hôm nay cháu lại để máy ở nhà, mãi trên làng Cót. Vậy xin khất bác sáng tứ 3 tuần sau mời bác đến.
 
Đúng 8 giờ sáng thứ 3 tuần sau, nhà văn Nguyễn Tuân đủng đỉnh, tay chống ba toong bước vào tuần báo Văn Nghệ để tôi chụp chân dung hộ chiếu. Hiện trường là sân sau của tòa soạn đã tề tựu đủ các nhân vật : Nhà nghiên cứu phê bình, thư ký tòa soạn Hữu Nhuận, nhà Thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Bế Kiến Quốc, cùng một số anh chị em trong tòa soạn đã chuẩn bị trước những câu chọc tức nhà văn. Nếu câu nói đầu của tôi thất bại thì đã có hai ba trợ thủ khác sẵn sàng khiêu chiến trêu tức ông.
 
Nhà Văn Nguyễn Tuân chống can đủng đỉnh bước vào và hỏi luôn:
 
- Bạn Đáng có nhà không đấy?”.
 
-  Dạ! cháu đang chờ bác đến đấy ạ !” rồi chớp thời cơ tôi thông báo luôn  Cách đây mấy hôm, cháu được nhà văn có trong danh sách của bác tặng cháu một cuốn tiểu thuyết, về nhà đọc thấy hay tuyệt bác ạ !
 
- Hay à ? Cậu nói đúng với ý nghĩ của mình đấy chứ?
 
 - Vâng ! Tôi trả lời ngọt sớt.
 
Đột nhiên ông nhìn tôi, rồi nhìn mọi người với nụ cười mỉa mà rằng:
 
- Này cậu Đáng ! Từ trước đến giờ tôi quý cậu bởi cậu có một chút năng khiếu bẩm sinh, cảm thụ tác phẩm văn học khá tốt, đọc và đánh giá tác phẩm khá chuẩn, nhưng đến hôm nay thì tôi nhầm!
 
-  Cháu hơi liều, thử xem phản ứng của bác, và đùa vậy thôi. Thành thật xin  bác, chứ có nhà văn nào tặng sách cháu đâu bác. Bây giờ cháu xin chụp đền bác bức chân dung hộ chiếu nhé. Nào ! một hai ba …tách!
 
Một tuần sau tôi mang ảnh hộ chiếu đến nhà bác Nguyễn và phóng thêm tấm ảnh tôi chụp lén lúc đầu. Bác Nguyễn Tuân ngắm rất kỹ bức chân dung trên tay, không dấu nổi nét vui  mừng trên khuôn mặt: “ Đây Đúng là Nguyễn Tuân, rất đúng Nguyễn Tuân. Mình xin cậu. Hóa ra hôm trước mình bị mắc lừa cậu. Giỏi ! Giỏi ! Sau này bác Nguyễn Tuân thân tuyển chọn bức ảnh ấy để in trong tuyển tập khi nhà văn còn sống và chỉ một tấm chân dung duy nhất ấy được tuyển chọn in vào Tổng tập văn học Nguyễn Tuân gồm 5 tập do NXB Văn học xuất bản sau này.
 
Một lần khác, khi nhà văn Nguyễn Tuân xuống Hải Phòng dự hội nghị BCH Hội Nhà Văn tại Đồ Sơn. Chiều thứ 7 nghỉ họp, nhà văn Nguyễn Tuân từ ngôi nhà nghỉ dưỡng của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tay cầm batoong đang thư thả bước ra, dưới cái nắng chênh chếch ngược, ông tiến về phía nhà văn Bùi Hiển đang đứng nói chuyện với cô Hiền ( cán bộ đối ngoại, con gái nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) hình ông như được dựng tượng trước một thân cây phượng ngược sáng đen kịt, bật lên bộ tóc trắng phau. Ông nói với giọng đủng đỉnh pha chút khôi hài:
 
-  Này anh Bùi Hiển ! Anh nên nhớ rằng anh đang tán chuyện với ai đấy nhỉ? Đó là cháu Hiền, con gái Nguyễn Huy Tưởng, ông ấy là bạn văn của chúng ta đấy nhé!
 
Ông cười rất hóm, ánh lên khuôn mặt, ánh mắt và cái miệng đặc biệt Nguyễn Tuân. Chiếc can trong tay ông vừa nhô lên in trên mặt đường màu ghi xám, tạo một bố cục vừa cân bằng , vừa có tính chất ngang tàng, rất ăn nhập với khí phách Nguyễn Tuân. Tôi đã chụp được nhà văn ở khuôn hình đó và khi đem bức ảnh đến tặng, bác Nguyễn Tuân trầm trồ khen và nhờ tôi in thêm hàng chục tấm để dùng khi trả lời phỏng vấn cả trong và ngoài nước.
 
Trong một bức thư ngắn của Nhà văn Nguyễn Tuân gửi nhà văn Tô Hoài ( Tổng biên tập báo Người Hà Nội ) có đoạn Viết: “ Kính gửi ông Tô Hoài, ông cho tôi xin lại bản thảo của bài viết cho số Tết và cái “ Cơlitxê ” ảnh do Hoàng Kim Đáng chụp khi tôi cầm chiếc ba toong. Xin Cảm ơn !”.
  
Bức ảnh thứ hai đề cập đến là bức chân dung Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chụp năm 1991 khi Đại tướng vừa tròn 80 tuổi. Bức chân dung này được sử dụng rộng rãi và phóng lớn trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi đại tướng qua đời. Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh đã bình chọn đây là bức ảnh gây ấn tượng nhất trong số 10 bức ảnh đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Báo Tuổi trẻ đã in bức ảnh thành nhiều cỡ, làm ảnh trang, ảnh bìa sách, báo ,tạp chí  phụ trương của báo Tuổi Trẻ dành tặng bạn đọc. Đặc biệt là ảnh bìa cuốn sách về tướng Giáp của tác giả Nguyễn Mạnh Thường do NXB Văn Hóa ấn hành năm 2012.
 
Ở Việt Nam có hai nhân vật được giới nhiếp ảnh Việt Nam và Quốc tế thể hiện nhiều nhất, thành công nhất, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
 
Với Đại tướng, có đến hàng vạn hình ảnh được ghi lại qua hàng nghìn nhà nhiếp ảnh. Tôi cũng có vinh dự nằm trong số đó. Tôi đã có dịp được ghi lại hình ảnh Đại tướng vào chiến trường (năm 1970) ở Bộ tư lệnh Trường Sơn để triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương về chiến lược đập tan “ Cuộc hành quân Lam Sơn 719” của Mỹ- Ngụy, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
 
Tôi lại có dịp được chụp ảnh Đại tướng khi Người vừa tròn 80 tuổi vào năm 1991. Lần ấy Đại tướng vừa thay mặt Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước bè bạn trên thế giới đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam giành toàn thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 thống nhất đất nước.
 
Hôm ấy Đại tướng rất phấn khởi, cho gọi nghệ sỹ lão thành là anh Nguyễn Nhưng và tôi lên chụp ảnh tại nhà riêng.
 
Đúng giờ hẹn, chúng tôi có mặt. Đại tướng vui vẻ bắt tay và nói:
 
- Tôi đã 80 tuổi. hôm nay muốn có một bức chân dung mặc quân phục đeo huân chương và quân hàm Đại tướng để phòng khi nhỡ có bề nào còn có tấm ảnh để đầu xe.
 
Nghe Đại tướng nói vậy , nghệ sỹ lão thành Nguyễn Nhưng chỉ cười , còn tôi nói luôn rằng:
 
- Thưa Đại tướng, phải từ 20 đến 30 năm nữa Đại tướng vẫn chưa cần hình ảnh để đầu xe! Tôi muốn chụp một hình ảnh mà Đại tướng đang còn thiếu.
 
- Đó là hình ảnh gì vậy?
 
- Thưa Đại tướng ! vừa qua trong cuộc đi thăm các nước của Đại tướng, được nhân dân trên thế giới ngưỡng mộ., kính trọng và hô vang cụm từ: “VIỆT NAM- HỒ CHÍ MINH- VÕ NGUYÊN GIÁP- ĐIỆN BIÊN PHỦ” Lại có những cô gái theo phong tục che mạng nhưng khi thấy Đại tướng được thần dân thiên hạ hô vang, chào mừng nồng nhiệt, các cô đã không kiềm chế được, liền gỡ mạng ra để được ngắm nhìn Đại tướng. Độc đáo đến thế là cùng! Tôi muốn ghi l�%

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây