Sau đây là 5 vấn đề được tranh luận rất nhiều trong nhiếp ảnh mà Camera Tinhte muốn liệt kê ra.Và bạn đứng về phe nào? Cùng chia sẻ quan điểm của mình nhé.
1. Có nên xin phép đối tượng trước khi chụp ảnh?
Đôi khi có người khó chịu khi "được" chụp ảnh
CÓ:
Mỗi người có một trải nghiệm cá nhân trước một vấn đề hay sự việc khác nhau. Có người thấy vui hoặc bình thường khi bỗng nhiên có người chụp ảnh mình trên phố, có người đồng ý chụp những phải theo góc mà họ cho là đẹp nhất, có người phản ứng giận dữ, có người sẽ đi đến cùng là kiện tụng. Do đó, việc xin phép người khác để chụp ảnh là rất cần thiết để tránh những xung đột không đáng có.
KHÔNG:
Khi cất tiếng xin phép người khác để được chụp, bạn đã bỏ đi cơ hội chụp được khoảnh khắc tự nhiên nhất của nhân vật. Và khi nhân vật nhận thức có một máy ảnh đang chĩa về phía họ, sự đề phòng cũng như những động tác "ngoại giao" nhất sẽ xuất hiện, bạn sẽ chẳng còn những cử chỉ "mạnh mẽ" nhất trong khung hình. Hãy chụp, đừng hỏi.
2. Bạn có nên "bồi dưỡng" ai đó khi "làm dáng" cho bạn chụp?
Có vài em bé dân tộc hay đòi tiền ở những địa điểm du lịch. Có bé lại hồn nhiên vô tư
CÓ:
Bạn chụp ảnh một ai đó hoặc thậm chí mở lời nhờ họ cứ làm những gì họ đang làm mà không để ý đến bạn và camera tức là bạn đang làm mất thời gian của họ. Một khoảng tiền nhỏ để "bồi dưỡng" cũng là điều công bằng. Hơn thế nữa, có thể bức ảnh của bạn sau này sẽ mang đi thi đoạt giải hoặc có thể in ra hay bán trên mạng, một khoảng phí cho người trong ảnh cũng là điều nên làm. Ngay cả khi bạn thực hiện dự án cá nhân, không thương mại, nhưng đã sử dụng thời gian, hình ảnh của ai đó là phải trả phí.
KHÔNG:
Trừ khi bạn làm việc với một người mẫu chuyên nghiệp, có model release cho một công việc cụ thể nào đó, còn lại, bạn không phải trả phí cho những bức hình mà bạn chưa chắc sẽ kinh doanh trên nó hay không. Bên cạnh đó, bạn đang vô tình khuyến khích cho một bộ phận người trong một khu vực, lĩnh vực cụ thể nào đó có thói quen đòi tiền thù lao khi có ống kính chĩa vào. Điều này có thể thấy khi đi du lịch, một số người dân tộc thiểu số hay dân địa phương hay đòi tiền khi khách du lịch chụp hình.
3. Có nên chỉnh sửa hậu kỳ cho hình ảnh?
Chỉnh sửa là tôn trọng người xem? Hay gọi ra món ăn ngon hơn?
CÓ:
Chẳng có cái máy ảnh hay thiết bị nào có thể diễn tả lại hết khung cảnh mà nhiếp ảnh gia đang chứng kiến. Anh ta có thể chỉnh sửa lại tương phản, bão hòa màu để làm cho khung cảnh đẹp như anh ta đã trải nghiệm thực. Hoặc cũng có thể bỏ đi một vài chi tiết nhỏ không mong muốn trong hình ảnh cho nó được "đàng hoàng" hơn dẫu sao nó không làm sai lệch quá lớn gây sự "tưởng tượng" sai lầm của người xem về khung cảnh hay tình huống thật.
KHÔNG:
Trong số chúng ta hẳn có một vài người phải ngao ngán lắc đầu khi đến một "thắng cảnh" nào đó và thốt lên: "Ủa, sao nó không rực rỡ như trong hình?" Một chỉnh sửa dù nhỏ nhất cũng làm mất tính chất ghi thực của nhiếp ảnh. Tăng bão hoà màu, tương phản cũng phản ánh sai sự thật. Số người đứng về luận điểm này chắc hẳn cũng vài lần gọi món trong nhà hàng và thất vọng vì món ăn trước mặt không phải là hình ảnh trong thực đơn.
4. Máy ảnh và ống kính càng xịn, ảnh càng đẹp, có đúng không?
Canh sáng và lấy nét tay nhanh vẫn có ảnh tốt mà.
CÓ:
Rõ như ban ngày. Máy ảnh có độ phân giải cao, màu sắc đẹp, ống kính sắc nét thì đương nhiên là chụp ra ảnh đẹp. Cứ nhìn các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì thấy, máy xịn, ống to chụp tấm nào cũng đẹp. Và đôi khi thiết bị đầy đủ và xịn còn giúp người chụp tự tin, sáng tạo ra những khung hình mà không bao giờ những người có thiết bị kém hơn có được. Tất cả những giải pháp tình thế để lấp liếm về thiết bị đều không thể có hình ảnh đẹp được.
KHÔNG:
Nhiếp ảnh là sáng tạo. Đôi khi máy móc, thiết bị quá nhiếp làm bạn phụ thuộc vào chúng. Chụp cái này, tôi phải có ống này, xịn nhất còn không thì tôi không thể chụp thì làm sao có hình ảnh. Sự linh hoạt sử dụng các thiết bị đôi khi còn tạo những hiệu ứng bất ngờ. Bên cạnh đó, khi quá quen với một thiết bị nào đó, dù nó khá cũ và không đáp ứng được vài tình huống chụp ảnh, nhưng sẽ quen thuộc giúp các nhiếp ảnh gia thao tác nhanh hơn, bắt được những hình ảnh đẹp hơn và việc luôn luôn lóng ngóng trước những thiết bị tối tân. Chiếc áo không làm nên thầy tu, máy ảnh xịn không làm nên nhiếp ảnh gia.
5. Máy ảnh số giúp nhiếp ảnh gia nhiều hơn?
Đôi khi chỉnh lại màu sắc cũng giúp bức ảnh đẹp hơn, nhưng nó không phản ánh trời đầy sương mù xám xịt ngày hôm đó.
CÓ:
Hẳn nhiên, việc lấy nét tự động, hình ảnh chụp xong về có thể tự chỉnh sửa ngay, phần nào thiếu sáng thì có thể tăng lên ngay, nhiêu đó cũng thấy máy ảnh kỹ thuật số và các thiết bị hiện đại giúp cho nhiếp ảnh gia có thể chụp ảnh đẹp hơn rất nhiều.
KHÔNG:
Tất cả những kỹ thuật hiện đại giúp cho việc lấy nét nhanh, tăng chỉnh sáng hay chụp hàng trăm tấm để chọn ra một tấm đẹp nhất đang dần huỷ hoại nhiếp ảnh. Những kỹ thuật lấy nét, canh sáng cũng như làm việc với người mẫu sau cho chụp ra một bức ảnh đẹp chỉ với vài lần chụp mới đáng là kỹ thuật nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh là sự cảm nhận từng khung hình khi chụp, không phải về lựa một tấm trong hàng trăm tấm trên màn hình.
Còn nhiều những tranh luận đang tồn tại trong nhiếp ảnh. Camera Tinhte nêu ra 5 điểm trên với mục đích mong bạn có những suy nghĩ, định kiến riêng cho mình về nhiếp ảnh để có thể chọn con đường đi đúng với mình và có thêm nhiều ảnh đẹp.
Nguồn tin: tinhte.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn